ĐỌC SÁCH - YOGANANDA

Đọc Sách - Yogananda

 

Quyển Autobiography of a Yogi của Yogananda (Tự Truyện của một Yogi) xuất bản năm 1946, cho đến nay vẫn còn được tái bản nhiều lần với các ấn bản khác nhau, và được xem là một trong những sách tinh thần nổi tiếng nhất của thế kỷ 20. Sau đó một trong các đệ tử của ông là Swami Kriyananda cũng viết tự thuật của mình, nhưng sách chính yếu nói về bốn năm ông ở cạnh thầy hơn là nói về chính ông.
a- Ấn bản đầu ‘The Path - Autobiography of a Western Yogi’ năm 1977, 42 chương, 620 trang.
b- Ấn bản rút ngắn ‘The Shortened Path ‘ra năm 1981, 209 trang. Khỏi cần đọc.
c- Ấn bản cập nhật có tên ‘The New Path - My Life with Paramhansa Yogananda’ ra năm 2009, 41 chương, 356 trang, có nhiều thay đổi thêm bớt. Bạn có thể đọc ấn bản này trên internet:
https://www.ananda.org/free-inspiration/books/the-new-path/
Bạn nên đọc cả hai a và c, nhất là bốn chương chót của ấn bản đầu tiên, có các chi tiết thú vị mà ấn bản cập nhật bỏ đi. Vì ấn bản The Path ra đã lâu và có thể khó tìm, nhiều phần là bạn sẽ thấy có trong thư viện của chi bộ TTH. Bài này soạn dựa trên cả hai ấn bản nên trong bài, chữ The Path cũng có nghĩa The New Path.
Vài đệ tử khác của Yogananda (Y.) cũng có ra sách về thầy mình từ khi ông qua đời, khi so sánh chúng với The Path thì có nhận xét là các sách ấy thiên về tình cảm hơn là minh triết, thiếu hiểu biết sâu sắc. Chúng mô tả Y. ảnh hưởng đời họ, cá nhân họ ra sao sau cả chục năm làm việc cạnh thầy, mà không đưa ra cái nhìn rộng lớn về viễn ảnh của Y. khi sang Hoa Kỳ, tức sứ mạng của ông, chủ đích của ông khi đi giảng, viết sách, lập tổ chức, huấn luyện đệ tử.
Sách The Path của Kriyananda bàn về các điều trên cùng những chỉ dạy của Y., nên xét ra có giá trị cao, ta có thể xem sách như là cuốn hai, tiếp tục cuốn Tự Truyện. Swami Kriyananda người Hoa Kỳ tên Donald Walters sinh năm 1926, ông ưa thích triết lý từ nhỏ; gia đình theo Thiên Chúa giáo nhưng Don không thỏa mãn với lời giảng của giáo sĩ trong nhà thờ. Đọc kinh thánh chỉ làm tăng thêm thắc mắc trong tâm, ông đặt nhiều câu hỏi về Thượng Đế, đời người; sách Bhagavad Gita (Chí Tôn Ca) làm  ông vui hơn, khuynh hướng này khiến  ông muốn đi tìm chân lý khi vào đại học. Giữa niên học thấy chán ngán với cách giảng dạy ở trường, ông xin phép cha mẹ cho nghỉ sáu tháng để định hướng đời mình. Thanh niên khi ấy được 21 tuổi, và với khung cảnh tâm linh bấy giờ ở Hoa Kỳ, anh chưa hề nghe và do đó không biết chút gì về karma, luân hồi, guru v.v., những ý niệm căn bản của triết lý Ấn Độ.
Anh lang thang đi học viết kịch, làm thơ, soạn ca khúc, một hôm vào tiệm sách gặp quyển Autobiography of a Yogi. Don cảm thấy có thúc giục trong lòng để mua sách mà cưỡng lại và đi ra tới ngã tư, nhưng làm như có một lực bắt anh quay trở lại tiệm sách. Thanh niên bị thu hút hoàn toàn khi đọc chuyện, cảm thấy rất thân thiết với tác giả dù chưa hế gặp mặt, tin tưởng ông rất mực, lập tức xem ông là thầy mình, sẵn lòng đi theo ông tới cuối đời. Trong sách Y. khuyến khích ăn chay, Don bỏ thịt cá cái rụp; bạn giới thiệu một cô gái cho anh, Don hững hờ mà còn giảng triết lý. Bạn bè hỏi nhau:
– What’s wrong with him ? Nó mắc chứng gì vậy ?
Phải nhiều năm sau anh mới hiểu là sự tỏ ngộ thì giống như bông hoa, sẽ khai mở theo mức của nó. Khi ai chưa sẵn sàng để thấy chân lý, có nói cách nào hay lý luận mạch lạc tới đâu cũng vô ích. Ta nhớ lại lời này của đức K.H.
– Họ chưa nhận chân lý vì ngày giờ chưa tới.
Don đang ở New York, đọc xong sách hôm trước, hôm sau anh nhẩy xe bus đi xuyên nước Mỹ bốn ngày bốn đêm, tới California tìm gặp Yogananda, đó là năm 1948 anh được 21 tuổi. Anh đến trụ sở ở ngoài Los Angeles L.A., gõ cửa xin gặp Paramahansa Yogananda, bảo mình muốn được sống ở đạo viện. Điều kiện là phải hoàn tất một khóa học dài khoảng bốn năm làm anh chưng hửng. Thất vọng, anh được cho biết là tổ chức có một nhà thờ ở L.A. nên tìm đến, nhất định rằng không thể nào bị từ chối được. Đến nhà thờ, việc anh từ New York tới không làm thay đổi sự kiện, là danh sách chờ đợi để gặp Y. dài hai tháng rưỡi; càng lúc Don càng tuyệt vọng.
Anh rầu rĩ đi quanh nhà thờ ngắm kiến trúc, cửa sổ kính mầu và sôi nổi cầu nguyện:
– Thầy phải nhận con ! Thầy phải ! Đây là chuyện cả đời con !
Anh gặp vài người khác trong nhà thờ, họ cũng muốn được nhận và đã chờ mấy tháng rồi. Lòng chán nản, anh bước tới lui vô hồn một lát rồi quyết định mình sẽ tới đây dự lễ thường xuyên, sẽ theo khóa học, rồi thầy sẽ biết khi nào anh sẵn sàng và kêu anh đến. Anh đi ra cửa và sự việc thay đổi lạ lùng. Cô tiếp khách chận lại, bảo vì anh từ xa đến, cô sẽ hỏi xem thầy có chịu gặp anh hôm nay. Vài phút sau cô trở ra và nói.
– Thầy chịu cho anh gặp.
Câu đầu tiên anh thưa sau khi chào hỏi là:
– Con muốn làm đệ tử của thầy !
Đôi bên trò chuyện hồi lâu, trong lòng anh luôn cầu khẩn:
– Thầy phải nhận con ! Thầy phải ! Cho con vào !
Còn Yogananda nói cho anh hay:
– Ta bằng lòng gặp anh chỉ vì Mẹ thiêng liêng - Divine Mother kêu làm vậy. Ta muốn anh biết thế, mà không phải vì anh từ xa đến đây. Ta chỉ làm điều gì Thượng Đế bảo ta làm.
Giảng dạy của Y. nói rằng Thượng Đế chứa cả hai nguyên lý nam, nữ. Bởi mất mẹ sớm nên ông tìm tình thương nơi Thượng Đế và gọi ngài là Mẹ thiêng liêng. Y. hỏi chi tiết về Don, còn anh cho ông hay sách Auto… rất tuyệt vời. Ông đáp giản dị.
– Ấy là vì sách có làn rung động của ta.
Don ghi mình không hề biết là sách có làn rung động và ngạc nhiên, nhưng ta có thể nói thêm ở đây. Lẽ tự nhiên là Y. không cầm cuốn sách mà anh mua để sách nhiễm làn rung động của ông, điều ông ám chỉ là hình tư tưởng của sách. Lúc soạn quyển này, suy nghĩ của Y.  tạo nên một hình tư tưởng và độc giả khắp nơi khi đọc sách sẽ tiếp xúc với hình đó, cảm nhận làn rung động của hình, hòa nhịp với tư tưởng của tác giả. Làn rung động không thể được giả mạo, nên cách kiểm chứng để xem nội dung một sách là chính hay tà đạo, là luyện cho ta nhậy cảm để bắt làn rung động của sách và nhận xét. Diễn trình viết sách tạo hình tư tưởng là chuyện chung, xẩy ra cho bất cứ tác giả nào.
Yogananda trầm ngâm, yên lặng, Don cầu nguyện ráo riết thêm. Sau cùng Y. nói.
– Được, anh có karma tốt, anh có thể gia nhập với chúng ta, nếu không vậy ta chẳng nhận anh.
Don bàng hoàng đi ra khỏi phòng. Đây là việc khác thường khi một đệ tử được cho nhập tổ chức mau lẹ như vậy.
Anh lên đạo viện học tập, làm việc trong bốn năm, chứng kiến và dự vào sinh hoạt của Y. cho đến khi ông qua đời năm 1952, ghi nhận lại các mẫu chuyện xoay quanh Y. Ta trích ra dưới đây một số chuyện ấy, cho thấy triết lý của ông.
Khi mới vào tổ chức, Don thuận cùng với bạn theo một cách dinh dưỡng để tinh lọc cơ thể, là chỉ ăn nho tươi và uống nước nho, tin rằng vài tuần như vậy sẽ giúp họ có tiến bộ mau lẹ trong đời sống tinh thần. Được vài ngày, Y. nghe chuyện và nói với cả hai:
– Muốn thì cứ làm, ta không cản, nhưng một tâm hồn thanh khiết - pure heart mới là đường tới Thượng Đế mà không phải là một bao tử sạch bong - pure stomach !
Don khám phá lá Yogananda biết hết mọi việc trong tâm tư mỗi đệ tử. Mới đầu anh cảm thấy ngại ngùng khi sống chung với vị thầy có khả năng như vậy. Hai bạn đồng đệ tử kể với anh rằng mấy tuần trước khi anh đến, họ đi bus về đạo viện, trên xe cả hai trò chuyện không có đạo vị mấy. Họ tiếp:
– Thầy đón tụi này ở cổng, coi nghiêm khắc lắm. Sau khi nhắc lại cho nghe mấy câu nói rất là phàm tục của tụi tôi, thầy la một mách, rằng ‘Các anh tới đây là để xa cảnh đời thường, hãy dành thì giờ nói với Thượng Đế, còn khi gặp gỡ nhau, hãy bàn về Ngài’. Thầy ra lệnh là hai đứa tôi không được đi chung với nhau nữa !
Bạn đệ tử khác kể:
– Gần đây tôi ở xa lái xe về đạo viện, khuya tối rồi và tôi đói bụng. Lái một quãng thì có tiệm ăn còn mở cửa, mà chỉ bán toàn hamburger. Tôi biết là tụi mình ăn chay, nhưng tôi đói quá và nghĩ, ‘Thầy không biết đâu’, nên tôi quất hai cái. Tới đạo viện, tôi chào thầy. Nói chuyện xong xuôi, thầy bảo, ‘Này James, đi đường xa ban đêm mà tới hàng quán chỉ bán hamburger, thì tốt hơn đừng ăn chi cả.’
Dù ngại ngùng, Don cũng biết ơn là bởi thầy biết mọi ngõ ngách trong tâm hồn anh, thì ít nhất sẽ không có hiểu lầm, anh  không hề phải sợ hãi. Lần kia, một bạn có lỗi và bị la.
– Nhưng mà, lạy thầy, anh khẩn khoản, thầy sẽ tha thứ cho con chứ ?
– Chà, Yogananda ngạc nhiên trả lời, ta có thể làm gì khác nữa đâu ?
Don viết thầy không hề giữ lòng phiền trách ai. Ông thường nói:
–  Ta chỉ sửa lỗi ai chịu nghe.
Người nữa thuật là ngày kia có kẻ đến văn phòng của họ, kể hết chuyện bịa này tới chuyện kia, nói xấu Y. Nghe rất hữu lý. Người đệ tử còn mới, lòng tin vào thầy chưa mạnh, hơn nữa họ không có sự kiện nào để phản bác nên tuy không tin những lời bịa đặt ấy, anh thú nhận rằng niềm tin trong lòng vào Y. bị lung lay. Kẻ ấy nói xong rồi bỏ đi. Thời gian trôi qua, đột nhiên có tiếng chân mạnh mẽ đi tới. Cửa mở và Y. bước vào. Ông đi thẳng tới trước mặt đệ tử, nhìn ngay vào mắt anh và hỏi, ‘Con vẫn còn thương yêu ta chăng ?’. Y. nhắc lại từng chữ một tất cả những gì mà kẻ trên đã nói với người đệ tử.
Về sau, anh bạn được biết là vào lúc ấy, thầy đang ở trên xe bus cách xa văn phòng anh 7, 8 cây số. Ông xuống ngay trạm tới và đi bộ suốt đoạn đường, với mục đích duy nhất là giúp trò khỏi hoài nghi.
Có lần Don tỏ ý kinh ngạc là thầy hoàn toàn ý thức những chuyện anh nói, và làm trong lúc ông ở xa. Y. thản nhiên trấn an anh:
– Ta biết mỗi tư tưởng nào đi qua trong trí con.

Làn Rung Động
Don kể có lần một nhóm đệ tử cùng Y. đến tịnh xá. Thầy và trò tham thiền chung, ngồi với thầy Don cảm thấy như có một nam châm cực mạnh nâng trọn bản thể anh lên, và tập trung nó vào giữa trán. Sự việc làm anh nhớ kinh sách Ấn Độ ca ngợi hơn hết việc ảnh hưởng của guru làm nâng cao học trò. Khi tự mình ngồi thiền không có trợ lực, chưa bao giờ anh nhập thiền đột ngột và sâu như vậy.
Khi khác cũng ở tịnh xá lúc đã khuya, Don đang ngủ. Thình lình anh chợt tỉnh giấc, với cảm giác có sự hiện diện thiêng liêng trong phòng. Nó choáng ngợp làm như chính Thượng Đế có đó, đang ban phước lành cho anh. Don ngồi dậy tham thiền, khi ấy anh chợt thoáng thấy Yogananda đi bách bộ trên sân dưới ánh trăng. Lòng tràn ngập sự biết ơn, anh đi ra ngoài và yên lặng cúi xuống lấy tay chạm vào chân thầy (đây là cử chỉ theo phong tục Ấn, bầy tỏ lòng tôn kính của trò đối với thầy, con với cha mẹ.). Về sau Y. cười nói:
– Ta tưởng anh là ma !
Kriyananda không bình luận gì thêm, nhưng hai chuyện này giống như cuốn sách Don mua ở đoạn trên, đều có liên quan tới làn rung động. Don nhận biết làn rung động của thầy và đáp ứng lại, cũng như làn rung động của Y. nâng Don lên, giúp anh đạt tới tâm thức cao mau lẹ. Đó là một trong những lợi ích khi vị thầy cho phép học trò được ở gần, thấm đẫm trong nhiều ngày tháng làn rung động cao của ngài.
Don luôn cảm thấy lạ lùng với việc là dù phải trông coi bao nhiêu đệ tử, thầy luôn nhận biết nhu cầu của mỗi người. Ông nói:
– Ta xem xét linh hồn các trò mỗi ngày. Nếu thấy có gì cần sửa đổi ta cho con hay ngay. Bằng không thì ta chẳng nói gì.
Khi khác Y. dạy:
– Ta sống đời của mỗi con. Nhiều lần trong đêm, ta đi sâu vào một người tới nỗi khi sáng thức dậy ta nghĩ mình là họ ! Đó có thể là kinh nghiệm đáng sợ, nếu kẻ ấy là người tâm tình biến đổi luôn và đầy dục vọng.
Có nữ đệ tử thích uống rượu xã giao khi tiếp xúc ngoài đời. Lúc gặp Y. ông kêu bà bỏ rượu, nên trong một khoảng thời gian bà không uống chi cả; rồi bà tự lý luận,
– Chắc uống rượu nho, bia thì được, miễn không phải là rượu mạnh whiskey hay brandy.
Nên bà thỉnh thoảng uống bia, rượu trở lại khi có khách, để không phải giải thích nhiều với họ.
Lần tới gặp thầy, ông nhìn sâu vào mắt bà và nói,
–  Ta dặn tất cả loại rượu !
Bà thuật tiếp.
– Trời, từ đó trở đi tôi không cục cựa gì được nữa. lần nào sa ngã là thầy biết ngay !
Không những Y. cảm biết nội tâm, những tranh đấu tinh thần của trò, mà luôn cả tình trạng, công việc của họ. Lần kia Don và một đệ tử khác tráng vữa thạch cao lên tường nhà. Thạch cao đã cũ và cứng lại mau, mỗi lần trộn một bồn thì phải dùng ngay trước khi nó cứng lại hoàn toàn. Vừa trộn xong một bồn sắp trét thì Y. đến hỏi chuyện, họ dừng tay đáp lời; cố nhiên là trò mừng vui được tiếp xúc với thầy, nhưng trong lòng vẫn thấp thỏm là bồn thạch cao rồi sẽ ra sao.
Nửa giờ sau chuyện vãn xong, Y. quay đi và hai đệ tử trở lại việc, họ tin chắc là bây giờ thạch cao đã cứng ngắc phải dùng búa đập mới vỡ, nhưng cả hai kinh ngạc thấy là thạch cao vẫn còn mềm như vừa mới trộn, và suốt ngày hôm đó họ  không gặp khó khăn nào thêm với thạch cao.

Tính Cá Nhân
Don và một số người khác gần gũi với Yogananda, có chung nhận xét là ông đối xử với mỗi người mỗi khác, hợp với cá tính riêng của từng người. Thí dụ là trong cách chỉ dạy, ông không thay đổi phần căn bản để phù hợp với nhu cầu mỗi ai, mà thay đổi cái nhấn mạnh của ông. Với người này ông đặt nặng vào thái độ phụng sự, với người khác là phần nội tâm. Với A ông nhấn mạnh việc cần có lòng hoan hỉ nhiều hơn, cho B thì đó là việc bớt đùa cợt, coi nhẹ việc tu tập.
Cách nhấn mạnh của ông rất là tế nhị khó mà diễn tả thành lời. Ông truyền ý của mình bằng cách nhấn giọng, bằng ánh mắt biểu lộ, hay bằng một cái nghiêng đầu. Điều chi ông nói với người này thì có thể không hề nói với người khác. Theo một nghĩa rất thực, có thể Y. là bạn thiêng liêng, riêng của một ai.
Cách đối xử riêng tư này biểu lộ qua việc ta không còn nhớ hình ông ra sao. Kriyananda nói mình cần có hình để gợi lại hình rõ ràng của thầy trong trí. Ngay cả với hình nào có Yogananda, ông không hề thấy có hai hình Y. nào giống hệt nhau. Khi hình cho thấy Y. đứng chụp chung với ai khác, trông ông có nét tế nhị giống người đó. Như đứng với thống đốc California, Y. có nét phảng phất giống ông; đứng cạnh một ca sĩ nổi tiếng, trông ông giống cô lạ lùng, và đứng cạnh đệ tử nào thì ông gần như trở thành người đó.
Ta có thể tự hỏi làm sao một gương mặt duy nhất lại có thể biểu lộ nhiều nét mặt khác nhau, nhưng lẽ tự nhiên không phải nét mặt thay đổi mà là tâm thức đằng sau nó. Chẳng những Y. nhìn thấy thượng đế trong mỗi người chúng ta, mà còn trở thành thượng đế ấy, hầu cho ta thấy tiềm năng thiêng liêng của mình, và hiểu hơn cách Thượng Đế muốn biểu lộ ngài trong đời của ta.

Ngày kia khi đến thăm một vương cung thánh đường to lớn, có tiếng ở miền trung tây Hoa Kỳ, Y. tỏ ý:
– Giữa một thánh đường đồ sộ mà không có Thượng Đế, và một gốc cây chỉ có ta và vài đệ tử ngồi dưới đó, ta sẽ chọn cái sau.
Theo ông, việc nhấn mạnh vào nơi thờ phượng to lớn, sang trọng và vào khối đông tín đồ làm người ta phải chú tâm quá nhiều vào tiền bạc, và quá ít vào sự tiếp xúc khiêm cung trong lòng với Thượng Đế. Ông dạy:
– Hệ thống giáo đường phải chấn chỉnh lại, nghi lễ rình rang bên ngoài phải được thay thế bằng sự giản dị, và thánh đường đồ sộ bằng nhà nguyện nhỏ đơn sơ, nơi tín đồ chân thành tụ lại thiền định. Giáo sĩ có học thức cao của cộng đồng giáo dân tân thời có thể hùng hồn thuyết giảng, nhưng nếu họ không bao giờ tham thiền, không hề có kinh nghiệm nội tâm về sự thiêng liêng, thì tài hùng biện của họ có lợi gì ?
Nếu đi vào một nhà hàng có danh mà không thể tìm được thức ăn ở đó thì nó có ích gì cho ta ? Ta đi ra bụng vẫn đói như khi đi vào. Vậy nhà thờ nổi tiếng có lợi gì nếu nó chết về mặt tinh thần ? Tổ ong có ích gì nếu không có mật ? Các con đang ở bên bờ có thay đổi lớn. Con sẽ thấy trọn phong trào giáo đường có cuộc cách mạng. Giáo đường sẽ là nơi mà các linh hồn chân thành tới để hòa nhịp vào Thượng Đế.
Cần nói rõ chữ ‘giáo đường, nhà thờ - church’ ở đây, dùng cho mọi tôn giáo mà không riêng một tôn giáo nào.

Yoga
Ta biết có nhiều loại Yoga. Chữ này có nghĩa là sự hợp nhất - union, bhakti yogia là sự hợp nhất với Thượng Đế bằng lòng hiến dâng, karma yoga là bằng hành động v.v. Yogananda giảng về cái sau với học trò:
– Ở Milwaukee, có lần ta được đưa tới thánh đường có ca đoàn hát đặc biệt cho ta. Sau đó một ca viên hỏi,
- Ông thấy chúng tôi hát ra sao, có thích  không ? Ta đáp
- Nghe được - It’s all right.
- Có nghĩa ông không thích nó ?
- Tôi không nói vậy, ta đáp. Nhưng xin đừng ép tôi phải nói thêm.
Nhưng họ nài mãi nên sau cùng ta giải thích.
- Về mặt kỹ thuật thì quí vị hoàn hảo, nhưng quí vị không nghĩ tới Đấng mà thánh nhạc được sáng tác cho ngài. Quí vị chỉ nghĩ muốn làm vui lòng tôi. Lần sau có hát thánh ca, xin nghĩ tới Thượng Đế; đừng hát để gây ấn tượng cho người khác.

Ngôn Ngữ
Một đệ tử kể cho Don nghe. Có lần bà được hầu chuyện riêng rới Y. Ông không biết nói tiếng Spanish còn bà không biết nói tiếng Anh, vậy mà hai thầy trò đàm luận một tiếng đồng hồ, và bà hiểu được thầy trọn vẹn. Don cho rằng trong một tiếng đó thầy nói chuyện với bà bằng tiếng Spanish.

Xoài
Quyền năng của Y. đôi khi làm các đệ tử rất thích. Lần kia xe chở thầy trò từ Mexico vào California. Y. mua nhiều xoài về cho hết các trò nên mùi xoài thơm ngát trong xe. Trên xe các đệ tử hồi hộp, tin chắc là quan thuế ở biên giới sẽ tịch thu trọn xoài vì luật lệ nghiêm nhặt. Nhưng khi nhân viên đến khám xét họ không nói gì cả !
Y. giúp đệ tử bằng nhiều cách với khả năng của mình.
Ngày kia một đệ tử ngỏ ý muốn lập gia đình, ông khuyến cáo:
– Cô gái không giống như anh nghĩ đâu.
– Thầy đâu biết gì về cô bạn của con. Thầy chưa bao giờ gặp cô mà !
– Ta biết tất cả những gì về cô !
Ông đoan chắc với anh bạn, nhưng anh không nghe, rời bỏ thầy để thành hôn. Anh  không có được hạnh phúc và khi kể chuyện, Don thấy mắt Y. lộ vẻ tiếc thương cho trò.
Khi  khác, một nữ đệ tử đã theo ông 27 năm ở đạo viện. Ngày kia ông gọi cô, cho hay cô nên lập gia đình.
– Ô, không được đâu thầy, con không muốn.
Nhưng ông thúc giục cô, và hứa rằng cô sẽ an lành, vì còn một chút karma trong quá khứ cần trang trải cho xong, và Y. chọn người chồng cho cô:
– Hắn có linh hồn tuyệt vời, đầy lòng xả kỷ như mỗi con ở đây !
Một nữ đệ tử khác bỏ đạo viện đi lấy chồng giữa lúc gặp thử thách nặng nề. Y. nhận xét:
–  Lòng ước muốn tình yêu lứa đôi cõi trần thu hút cô trong nhiều năm qua.
Cô đã theo học Y. một thời gian dài, có vẻ thử thách tới hồi mãnh liệt một lúc ngắn trước khi cô bỏ đi, vì ông nói:
– Nếu cô nán lại chỉ thêm 24 giờ nữa, hẳn cô sẽ dứt hẳn karma đó mãi mãi !
Lời khuyến cáo của ông cho một đệ tử khác đặc biệt làm ta ngẩn người, vì tầm mức của nó:
– Con có karma rất phức tạp. Nếu rời nơi đây bây giờ, con có thể phải mất hai trăm kiếp mới trở về điểm đã tới trên đường Đạo. (Bạn có thể đọc lại chuyện Âm Vang từ Ai Cập, PST 48 để hiểu thêm).
Học trò rất thích nghe Yogananda kể chuyện, ngày nọ ông thuật rằng:
– Có một thanh niên ở Ấn Độ qua đời. Xác anh được chuẩn bị xong xuôi để hỏa thiêu, dàn hỏa đã sẵn sàng để được châm lửa. Ngay khi ấy một yogi già từ trong rừng gần đó chạy ra, kêu lớn:
– Khoan châm lửa, tôi cần thân xác trẻ trung này.
Ông té xuống đất, chết. Một lát sau xác thanh niên trên dàn hỏa ngồi dậy, ai nấy chưa kịp ngăn lại thì anh nhẩy ra, chạy biến vào rừng. Bây giờ gia đình chỉ có thể hỏa thiêu xác của vị yogi già lão !
Mời bạn đọc lại bài Xin Nhớ Gaeta, PST 85.
Ta vừa thuật lại vài chuyện lý thú về Yogananda trong sách. Đó là phần nhỏ, phần lớn hơn của sách nói về chỉ dạy và triết lý của ông, được tác giả Kriyananda trình bầy khúc chiết, rõ ràng, rất đáng cho bạn đọc đi đọc lại. Vì vậy xin bạn mua sách nếu được để đọc lâu dài cũng như để ghi chú, vì với hiểu biết về Theosophy, ta sẽ nhận ra chân lý trong lời dạy của Y. nhiều lần đẹp đẽ, huyền diệu, sâu xa hơn là khi chỉ hiểu theo nghĩa bình thường, thí dụ như chuyện về làn rung động ở trên.
Điều kế là lòng hiến dâng nơi Yogananda không có nghĩa thụ động, cảm xúc nhưng là tình thương tích cực, minh triết, không thể diễn tả bằng lời mà ta phải kinh nghiệm thì mới hiểu rõ ông muốn nói gì. Bạn cần đọc sách bằng cái tâm để vượt lên cao, cảm nghiệm sự mênh mang, từ ái khôn tả bao trùm, nếu chỉ dùng hạ trí phân tích, lạnh lùng xét đoán theo đời thường, thì hiểu thiếu sót.
Chuyện đáng nói về sách là tác giả Kriyananda chứng tỏ có kinh nghiệm tâm linh, phần triết lý trong sách nên đáng được xem kỹ, nó cho thấy ông biết mình nói gì, và trình bầy chân lý một cách linh động, dễ hiểu. Thỉnh thoảng có bạn đệ tử rời đạo viện trở lại cuộc sống ngoài đời. Vài tháng sau một người như vậy nói với Don:

Don ghi là sau nhiều năm, anh quan sát thấy khi người ta tìm cách tránh đối đầu với bài học mà Karma mang lại, rốt cuộc họ chỉ thu hút cũng chính bài học đó về sau dưới hình thức mới, thường khi là nặng hơn !
Nói thêm về sách Auto… của Yogananda, ấn bản đầu ra năm 1946, các ấn bản về sau bị sửa đổi nhiều làm sai ý, lạc ý, mất hẳn ý ban đầu. Nếu muốn, bạn có thể đọc và mua ấn bản đầu tại đây:
https://www.crystalclarity.com/pages/autobiography-of-a-yogi-paramhansa-yogananda
Kỳ này là phần I của bài, phần II sẽ được tiếp tục kỳ tới.